Tiến tới đại hội IV của Hội Đo lường Việt Nam

Cập nhật: 12/1/2016 | 1:38:34 PM  

Theo quy định của Điều lệ Hội, đến tháng 12/2015 là kết thúc nhiệm kỳ III Hội Đo lường Việt Nam. Ban CHTW Hội đã quyết định tiến hành đại hội nhiệm kỳ IV Hội Đo lường Việt Nam vào tháng 1 năm 2016

Dự thảo
BÁO CÁO TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ III ( 2010 – 2015)

Hội đo lường Việt Nam được thành lập và hoạt động trên cơ sở pháp lý: Quyết định số 35/2000/QĐ-BTCCBCP  ngày 08 tháng 5 năm 2000 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ về việc cho phép thành lập Hội Đo lường Việt Nam và Quyết định số 47/2000/QĐ-BTCCBCP ngày 19 tháng 7 năm 2000 của Bộ trưởng Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ Hội Đo lường Việt Nam.

Mục đích của Hội là tập hợp và đoàn kết các hội viên và đội ngũ tri thức là công dân Việt Nam hoạt động đo lường trong nước và ở nước ngoài để trao đổi thông tin, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ, kiến thức, hỗ trợ các cơ sở và doanh nghiệp trong cả nước góp phần tích cực và có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Kể từ khi thành lập Hội đến nay đã trải qua 03 nhiệm kỳ Đại hội;  Đại hội nhiệm kỳ I ( 2001 – 2005) ;  Đại hội nhiệm kỳ II ( 2006 – 2010);  Đại hội nhiệm kỳ III ( 2011 – 2015); qua 03 nhiệm kỳ hoạt động, Hội Đo lường Việt Nam đã lớn mạnh và thu được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Hôm nay tại Đại hội nhiệm kỳ IV tôi xin phép được thay mặt Ban chấp hành Trung ương Hội trình bày báo cáo Tổng kết hoạt động của nhiệm kỳ III

I- Đặc điểm tình hình nhiệm kỳ III

Bước vào nhiệm kỳ III của Hội ĐLVN có nhiều thuận lợi cơ bản:
Trước tiên Hội được kế thừa kết quả hoạt động của các nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ I và II) trong đó các quy định, quy chế làm việc của Hội như Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Quy chế làm việc của Ban Thường vụ và Văn phòng Hội; Quy chế thi đua khen thưởng; Thủ tục kết nạp, cấp thẻ hội viên và công nhận Hội thành viên đều đã được Chủ tịch Hội các nhiệm kỳ trước phê duyệt, ban hành áp dụng đang có hiệu lực.
Hội tiếp tục duy trì bộ máy cũ để hoạt động bao gồm :
- Văn phòng Hội;
- Ban Thông tin phổ biến kiến thức và xuất bản bản tin đo lường;
- Trung tâm tư vấn và phát triển công nghệ đo lường ;
- Câu lạc bộ các doanh nghiệp  sản xuất, kinh doanh phương tiện đo.
Các quy chế và bộ máy tổ chức được kế thừa chính là căn cứ thuận lợi để Ban chấp hành Trung ương Hội tiếp tục củng cố phát triển và thực hiện các nhiệm vụ của nhiệm kỳ III.
Năm 2011, là năm khởi đầu nhiệm kỳ III đúng vào thời điểm toàn Đảng toàn dân ta triển khai Nghị quyết Đại hội XI thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, Kế hoạch phát triển 5 năm 2011-2015, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; nhiều Văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động Đo lường được ban hành phổ biến áp dụng trong giai đoạn này như Luật KH&CN sửa đổi được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2013; Luật Đo lường mới được Quốc hội khóa XIII, thông qua ngày 11 tháng 11năm 2011 và có hiệu lực từ tháng 7 năm 2012; Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường ; Chỉ thị 42-CT/TƯ ngày 14/04/2010 của Bộ chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; có nhiều sự kiện quan trọng về đo lường cũng  được diễn ra trong giai đoạn này như: Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh 8/SL thống nhất đo lường Việt Nam theo Hệ mét (20/01/1950 – 20/01/2015), kỷ niệm lần thứ 15 ngày Đo lường Việt Nam (20/01/2001- 20/01/2015),  kỷ niệm ngày Đo lường Quốc tế hàng năm (20/5) và kỷ niệm ngày Khoa học & Công nghệ Việt Nam (18/5). Những yếu tố thuận lợi nêu trên đã định hướng cho Ban chấp hành Trung ương Hội xác định rõ phương hướng và nhiệm vụ của Hội nhiệm kỳ III giai đoạn 2011 – 2015

II- Kết quả hoạt động
2.1. Công tác tổ chức và phát triển Hội viên
2.1.1.Về công tác tổ chức

Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội  ngày 26 tháng 11 năm 2010 đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ III gồm 46 thành viên đại diện các tổ chức đo lường Trung ương, địa phương, ngành và các cơ sơ sản xuất, kinh doanh; các nhà khoa học từ các Trường Đại học, Viện nghiên cứu trong nước. Đại hội nhất trí suy tôn Ông Lê Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Đo lường, nguyên ủy viên ủy  ban khoa học và kỹ thuật nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ tiếp tục là Chủ tịch danh dự của Hội Đo lường Việt Nam.
Ban chấp hành Trung ương Hội ĐLVN nhiệm kỳ III đã họp phiên họp thứ nhất và thông qua Nghị quyết xác định các nhiệm vụ trọng tâm của Hội là: tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ đã được ghi trong điều 4 Điều lệ Hội ĐLVN, trong đó nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội về Đo lường là hoạt động trọng tâm của Hội.
Ban chấp hành Trung ương Hội đã bầu ra Ban thường vụ Hội nhiệm kỳ III gồm 17 thành viên bao gồm Chủ tịch Hội, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và một số Ủy viên; Ban chấp hành Trung ương Hội đồng thời cũng bầu ra Ban kiểm tra Trung ương Hội gồm 03 thành viên .
Hội đã cố gắng tiếp tục duy trì và phát triển cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động của Hội bao gồm :
- Văn phòng Hội;
- Ban Thông tin phổ biến kiến thức và xuất bản bản tin đo lường;
- Trung tâm tư vấn và phát triển công nghệ đo lường ;
- Câu lạc bộ các doanh nghiệp  sản xuất, kinh doanh phương tiện đo.

2.1.2.Về công tác phát triển Hội viên:
Hội luôn luôn coi trọng công tác phát triển Hội viên để tập hợp các Hội viên cá nhân và Hội viên thành viên nhằm đạt mục tiêu xây dựng Hội thực sự trở thành một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực đo lường ở nước ta; quan tâm đến ý nghĩa xã hội của tổ chức Hội; đóng vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết rộng rãi cán bộ khoa học -  kỹ thuật và toàn thể ngành đo lường góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Sau Đại hội nhiệm kỳ III, Hội đã tiến hành các đợt tuyên truyền phát triển hội viên. Công tác hội viên đã được quan tâm nhiều hơn thông qua việc gửi các Bản tin Đo lường; mời tham dự vào các hoạt động hội thảo, hội nghị do Hội tổ chức để phổ biến kiến thức về hoạt động Đo lường.
Kết quả một số đơn vị và cá nhân đã tự nguyện tham gia trở thành hội viên tập thể, Hội viên cá nhân của Hội đến nay bao gồm: tổng số hội viên cá nhân là: 180 ; tổng số hội viên tập thể là: 80; tổng số hội viên thành viên là 14.
Lãnh đạo Hội đã làm việc với một số Hội thành viên và Hội viên tập thể về công tác phát triển các chi nhánh Hội miền Trung và miền Nam, tuy nhiên, các công việc này còn gặp nhiều trở ngại, chưa thực hiện được như mong muốn

2.1.3.Hoạt động của các Hội thành viên
Các Hội thành viên của Hội ĐLVN trong nhiệm kỳ III đã có nhiều cố gắng triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển đo lường tại địa phương, khu vực thuộc phạm vi Hội thành viên. Hội Đo lường và Bảo vệ QLNTD Hải Phòng đã tổ chức tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật liên quan đến Luật Đo lường và Luật bảo về quyền lợi NTD trên các phương tiện Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Đài Phát thanh truyền hình Hải Phòng, thông qua các bài viết chuyên đề về Đo lường.
Hoạt động của các Hội thành viên tại các tỉnh và thành phố khác đã góp phần tích cực vào việc quảng bá những hiểu biết về đo lường, ý nghĩa cũng như những lợi ích thiết thực mà đo lường mang lại cho người dân.

2.2.Hoạt động của Ban chấp hành và Thường trực Hội
Ban Chấp hành TW Hội và Ban thường vụ đã duy trì họp định kỳ theo quy định để kiểm điểm, chỉ đạo các mặt hoạt động của Hội.
- Hội nghị BCH lần thứ 1 ngày 26/11/2010 tại Hà Nội ngay sau Đại hội nhiệm kỳ III. Hội nghị đã thảo luận, trao đổi và nhất trí bầu ra Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Ban thường vụ và Ban Kiểm tra Trung ương Hội.
- Hội nghị BCH lần thứ 2, ngày 17/12/2012 tại Hà Nội.  Hội nghị đã thông qua các nội dung quan trọng như: Báo cáo hoạt động của Hội trong năm 2011 và phương hướng hoạt động trong thời gian tới; Báo cáo về Luật Đo lường mới; Báo cáo công việc chuẩn bị cho ngày Đo lường Việt Nam (20/01/2013);Thông qua  danh sách trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đo lường” nhân dịp kỷ niệm ngày Đo lường Việt Nam (20/01/2013).
- Hội nghị BCH lần thứ 3 được tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày đo lường thế giới ngày 20/05/2013 tại Viện Đo lường Việt Nam; tại phiên họp này một số vấn đề cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội cũng được đưa ra xin ý kiến BCH Trung ương Hội như:
+ Công tác phát triển hội viên và mức thu phí hội viên;
+ Công tác phát hành Bản tin đo lường;
+Công tác hợp tác quốc tế, xét tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp đo lường; công tác tổ chức câu lạc bộ các doanh nghiệp hoạt động đo lường v.v...
+Công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị KHKT đo lường toàn quốc lần thứ 6;
+ Công tác quản lý và xử dụng tài chính của Hội.
- Hội nghị BCH lần thứ 4, được tổ chức ngày 26 tháng 5 năm 2014 nhân dịp kỷ niệm ngày KH&CN Việt Nam và ngày Đo lường thế giới. Hội nghị đã thảo luận về các nhiệm vụ:
 + Công tác chuẩn bị cho Hội nghị Khoa học kỹ thuật đo lường toàn quốc lần thứ 6;
+Công tác chuẩn bị cho Đại hội Hội Đo  lường Việt Nam nhiệm kỳ IV;
+ Các nội dung khác liên quan đến hoạt động của Hội.
- Hội nghị BCH lần thứ 5, được tổ chức ngày 02 tháng 10 năm 2015 để chuẩn bị cho Đâị hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ IV.
Sự đoàn kết, nhất trí và nhiệt tình hoạt động của BCH trong nhiệm kỳ III vừa qua là yếu tố quyết định để Hội có thêm sự phát triển nhất định và đạt được một số thành tựu, kết quả như nêu trong báo cáo.

2.3. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội về Đo lường
Điều lệ Hội cũng đã qui định một nhiệm vụ quan trọng của Hội là: “Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong lĩnh vực đo lường cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp có liên quan đến đo lường theo quy định của pháp luật”.  Dù còn nhiều khó khăn, trong nhiệm kỳ vừa qua Hội đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ cơ bản này với quyết tâm phát huy vai trò tư vấn -thẩm định -phản biện XH, đảm bảo tính vô tư, khách quan, độc lập trong đánh giá các hoạt động KH &CN; đảm bảo tính vô tư, khách quan, độc lập trong thẩm định các dự án phát triển về đo lường của nước ta.
Ngay sau Hội nghị Ban chấp hành TW Hội lần thứ nhất Hội đã đề xuất và phối hợp với các cơ quan QLNN về đo lường tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với Luật Đo lường và các văn bản pháp quy phục vụ cho việc thực hiện cụ thể Luật Đo lường; các chương trình, dự án, đề án về phát triển đo lường, đặc biệt là các chương trình, dự án liên quan đến Quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống chuẩn đo lường Quốc gia giai đoạn 2013 - 2020; có thể điểm lại một số hoạt động tư vấn -thẩm định -phản biện XH chính đã được tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ như:
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật đo lường, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc Hội khóa XIII và các cơ quan hữu quan đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để lấy ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, quản lý về đo lường. Hưởng ứng sự kiện quan trọng này, BCH TW Hội đã cử các chuyên gia là hội viên tập thể, hội viên cá nhân ích cực tham dự các hội thảo khoa học với chủ đề nêu trên như: Hội thảo ngày 15/08/2011 do UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc Hội tổ chức tại Hà Nội đã có 9 đồng chí là Ủy viên BCH TW Hội, hội viên tập thể, hội viên cá nhân từ nhiều cơ quan, ngành tham dự; Hội thảo ngày 12/09/2011 do UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc Hội tổ chức tại Buôn Ma Thuột-Đăk Lăk  có 5 đồng chí là Ủy viên BCH TW Hội tham dự; Hội thảo ngày 16/09/2011 do Liên hiệp Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Hội ĐLVN tổ chức tại Hà Nội có hơn 80 đại biểu là Ủy viên BCH TW Hội, hội viên tập thể, hội viên cá nhân đại diện các cơ quan quản lý TW, ngành, địa phương các tỉnh, thành phố phía Bắc tham dự.
- Nhiều  ý kiến xác đáng của đại biểu góp ý về nội dung của dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và được thể hiện trong Luật đo lường trình Quốc hội thông qua tại phiên họp nhiệm kỳ 2 Khóa XIII tháng 11 năm 2011.
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, BCH TW Hội đã cử các chuyên gia là hội viên tập thể, hội viên cá nhân ích cực tham đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản sau Luật đo lường; tham gia các Hội đồng thẩm định, tư vấn, phản biện đối với các dự án đầu tư phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; tham gia các ban kỹ thuật xây dựng Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, các Văn bản kỹ thuật Đo lường Việt Nam.
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam,  BCH TW Hội đã cử các chuyên gia là hội viên tập thể, hội viên cá nhân ích cực tham đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quốc Hội; góp ý sửa đổi Luật KH&CN, góp ý hoàn chỉnh dự thảo Luật thi đua khen thưởng, Luật phòng cháy thiên tai, Luật Điện lực và gần đây là dự thảo 11 Luật về Hội.

2.4. Hoạt động phổ biến kiến thức
Hoạt động phổ biến kiến thức nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ đo lường hỗ trợ các cơ quan quản lý và cơ sở và doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đo lường.
Ban chấp hành TW Hội đã triển khai các hoạt động này dưới nhiều hình thức thích hợp như thông qua việc tổ chức các Hội nghị, Hội thảo nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, thông qua hoạt động thường xuyên của Ban Thông tin phổ biến kiến thức và xuất bản bản tin đo lường , thông qua đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm tư vấn và phát triển công nghệ đo lường.

2.4.1.Phổ biến kiến thức thông qua các Hội nghị, Hội thảo
Hàng năm Ban chấp hành TW Hội đã phối hợp chặt chẽ và có hiệu qủa với các cơ quan nhà nước để đề xướng và tổ chức các sự kiện “Ngày đo lường Việt Nam”, “Ngày đo lường Thế Giới” và trao tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đo lường” ; xin điểm lại một số sự kiện chính:

Lễ kỷ niệm ngày đo lường Việt nam
- Ngày 20/1/2011, Lễ kỷ niệm ngày đo lường Việt nam được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của các đại biểu là lãnh đạo Tổng cục TC ĐL CL qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khu vực phía Bắc, một số Trường đại học, Viện nghiên cứu, các Doanh nghiệp, hội viên tập thể và cá nhân Hội đo lường Việt Nam,... cùng đông đảo các cán bộ đã và đang làm công tác đo lường.
- Ngày 7.1.2012 Lễ kỷ niệm ngày đo lường Việt nam được tổ chức tại TP Nam Định  với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định, lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL, đại diện: Hội Đo lường Việt Nam, Viện Đo lường Việt Nam, một số Chi cục TCĐLCL và đơn vị trực thuộc Tổng cục TCĐLCL, một số Sở, Ban, Ngành tỉnh Nam Định, và các cơ quan thông tin - truyền thông.
Ngày 16.1.2013 Lễ kỷ niệm ngày đo lường Việt nam được tổ chức tại TP Bắc Ninh với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL, đại diện: Hội Đo lường Việt Nam, Viện Đo lường Việt Nam, một số Chi cục TCĐLCL và đơn vị trực thuộc Tổng cục TCĐLCL, một số Sở, Ban, Ngành tỉnh Bắc Ninh, và các cơ quan thông tin - truyền thông.
- Ngày 17/01/2015 Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 08/SL (20/1/1950 – 20/1/2015) quy định về đo lường hợp pháp của Việt Nam và 14 năm ngày Đo lường Việt Nam năm tại Thành phố Vinh (Nghệ An), do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), Hội Đo lường Việt Nam phối hợp với Sở KH&CN Nghệ An tổ chức với sự tham gia của  Hội Đo lường Việt Nam và đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ KH&CN, trực thuộc TC TCĐLCL, đại diện Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL một số tỉnh, thành phố trong nước và các đại biểu doanh nghiệp.
Đây là dịp để những người làm công tác đo lường tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ, Người đã đặt nền móng pháp lý để phát triển Đo lường Việt Nam.

Lễ kỷ niệm ngày đo lường thế giới
Cùng với với lễ kỷ niệm ngày đo lường Việt Nam, hàng năm Hội đã phối hợp với Viện đo lường Việt nam tổ chức các Hội thảo chào mừng ngày đo lường thế giới 20/5. Nhân sự kiện quan trọng này, một số Hội thảo khoa học đã được tổ chức thành công và thực sự tạo ra diễn đàn để các nhà quản lý, các cán bộ KHCN trao đổi, quảng bá về những ứng dụng của  đo lường đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận trong sản xuất kinh doanh và bảo vệ an toàn sức khỏe và môi trường ở nước ta.

Hội nghị khoa học -  kỹ thuật đo lường toàn quốc lần thứ VI
Được sự đồng ý và bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trong các ngày 21 và 22 tháng 5 năm 2015 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và  Hội Đo lường Việt Nam long trọng tổ chức Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Đo lường toàn quốc lần thứ VI. Hội nghị lần này nhằm tổng kết, đánh giá kết quả các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật đo lường phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đời sống, an ninh, quốc phòng và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam  trong vòng 5 năm (2010-2015); đồng thời là diễn đàn để các nhà khoa học và quản lý đóng góp ý kiến cho phương hướng, nhiệm vụ phát triển hoạt động đo lường trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Quân - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;  lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cùng đại diện đến từ các cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp. Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và nhiều Tập đoàn doanh nghiệp lớn đã tham dự, đóng góp ý kiến tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Quân cho biết: Trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, khoa học công nghệ của Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi, bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức lớn. Khó khăn thách thức đầu tiên đó chính là sự thay đổi về tư duy đối với những người làm khoa học công nghệ. 
Hội nghị lần này chính là cơ hội để đánh giá lại hoạt động của ngành đo lường trong 5 năm vừa qua, đặc biệt sau khi có Luật đo lường, một trong 3 luật của lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Hơn 300 cán bộ khoa học kỹ thuật đo lường, bao gồm nhiều GS, PGS, TS, đến từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan quản lý nhà nước về đo lường, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phương tiện đo đã tham dự hội nghị. Gần 200 báo cáo khoa học đã được tuyển chọn công bố trong Tuyển tập báo cáo khoa học của Hội nghị; 80 báo cáo khoa học đã được trình bày tại buổi họp toàn thể và các tiếu ban : Tiếu ban Đo lường Cơ, Quang học, Âm thanh và Rung động; Tiếu ban Đo lường Điện - Điện từ và Xử lý tín hiệu; Tiếu ban Đo lường Hoá lý, Bức xạ ion hoá và Môi trường; Tiếu ban Đo lường Điều khiển và Tin học công nghiệp; Tiếu ban Đo lường Y sinh; Tiếu ban Đo lường Nhiệt và Thuỷ khí động lực học. Hội nghị đã tạo ra môi trường, không khí sinh hoạt học thuật sôi nổi và bổ ích trong đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cả nước, góp phần động viên, thúc đẩy anh chị em hăng hái nghiên cứu, ứng dụng nhiều hơn nữa mọi thành tựu khoa học kỹ thuật đo lường phục vụ cho sự phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế của nước ta.

2.4.2 Ban phổ biến kiến thức và xuất bản bản tin đo lường
     Hội đã cố gắng duy trì Bản tin Đo lường xuất bản theo Quyết định số 07/QĐ - VHTT ngày 27/02/2004 của Bộ Văn hoá - Thông tin. Trong 5 năm qua đã xuất bản 13 Bản tin, từ số 18 đến số 30 trung bình 3 số/năm.  Với các chuyên mục: Sự kiện; Nghiên cứu - Trao đổi; Thông tin khoa học công nghệ; Tin tức hoạt động; Đo lường và đời sống; Bạn có biết; Hỏi đáp về đo lường … bước đầu được hình thành, các số Bản tin Đo lường cố gắng trở thành một kênh thông tin, quảng bá kiến thức đo lường; là diễn đàn, là nơi trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa đông đảo hội viên, cán bộ khoa học kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực đo lường, giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu khoa học công nghệ đo lường. Tất cả các Bản tin này đều đã được gửi miễn phí trực tiếp đến các hội viên tập thể, hội viên cá nhân, các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng của các tỉnh và thành phố trong cả nước và các cán bộ có liên quan khác hoạt động trong lĩnh vực đo lường. Tuy về nội dung còn cần phải cải tiến để phong phú và thiết thực hơn nhưng Bản tin Đo lường đã thực sự là cầu nối giữa Hội và hội viên, là sự chuẩn bị và tập dượt cụ thể để tiến tới Tạp chí Đo lường chuyên ngành tương lai.
Trong việc xuất bản các ấn phẩm trên, Hội đã được sự giúp đỡ, tài trợ rất có hiệu quả của nhiều đơn vị, cơ quan, hội viên của Hội, đặc biệt là của Viện  Đo lường Việt Nam.

2.5. Hoạt động thi đua khen thưởng
Theo tôn chỉ, mục đích của Hội, Hội Đo lường Việt Nam có nhiệm vụ “Tập hợp hội viên và các tổ chức thành viên của Hội, đoàn kết, giúp đỡ nhau đẩy mạnh các hoạt động đo lường nhằm nâng cao năng suất lao động và sáng tạo của hội viên”. Trong Điều lệ của Hội, nhiệm vụ thứ 7 của Hội là “Khen thưởng và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng cho hội viên cá nhân và hội viên tập thể có thành tích trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ đo lường”.
Hội Đo lường Việt Nam khuyến khích các hội viên thực hiện các hoạt động đo lường theo đúng các quy định pháp luật của nhà nước, phát triển hoạt động đo lường cả về chiều rộng và chiều sâu đáp ứng các yêu cầu của sản xuất và đời sống xã hội. Tuy nhiên, với phương thức hoạt động của mình, Hội không phát động và tổ chức phong trào thi đua mà thực hiện việc khích lệ những tổ chức và cá nhân có thành tích trong các hoạt động đo lường thông qua việc tổ chức các sự kiện sau đây: “Hội nghị Khoa học - Kỹ thuật Đo lường” và tuyển chọn “Giải thưởng khoa học công nghệ đo lường”; Tổ chức “Ngày Đo lường Việt Nam” và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đo lường”.
Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đo lường” được trao tặng lần đầu cho 63 đồng chí vào tháng 11 năm 2010 nhân Đại hội Hội Đo lường Việt Nam nhiệm kỳ III (2011-2015).  Các lần sau được trao tặng vào dịp kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam (20 tháng 01 hàng năm). Cho đến nay 350 đồng chí đã được Hội Đo lường VN trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đo lường”.
Nhân dịp Hội nghị KHKTĐL toàn quốc lần thứ VI Hội đã phối hợp với Viện Đo lường Việt Nam trao tặng “Giải thưởng khoa học công nghệ đo lường” cho 14 đơn vị cá nhân trong cả nước nhằm khuyến khích, phát  triển tài năng và sáng tạo về khoa học – công nghệ đo lường ứng dụng  trong các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường, an ninh và quốc phòng

2.6.Hoạt động của ban kiểm tra
Hội ĐLVN là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp nên công tác kiểm tra có vai trò quan trọng và là bộ phận hợp thành trong hoạt động chung của Hội. Điều lệ Hội quy định : Ban chấp hành Trung ương Hội bầu ra Ban Kiểm tra Trung ương Hội. Ban kiểm tra Trung ương Hội có nhiệm vụ giúp Ban chấp hành TW Hội kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Hội, việc thực hiện các Nghị quyết của Đại hội; các hoạt động kinh tế, tài chính; xem xét và giải quyết các đơn thư khiếu tố.
Ban kiểm tra Trung ương Hội nhiệm kỳ III đã cố gắng thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Hội. Ban kiểm tra đã thực hiện kiểm tra hoạt động kinh tế, tài chính của Hội hàng năm; tham dự khóa tập huấn cho cán bộ kiểm tra do liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức trong tháng 5/2015 tại Hà Nội. Hoạt động của Ban kiểm tra đã góp phần duy trì và đảm bảo phát triển các hoạt động của Hội theo đúng quy định.

2.7.Hoạt động của Chi bộ đảng CSVN cơ quan Hội Đo lường
Chi bộ cơ quan Hội Đo lường VN bao gồm 8 đồng chí đảng viên là nòng cốt trong việc giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua các thông tin trong “Bản tin sinh hoạt chi bộ” của Ban Khoa giáo Trung ương, các tài liệu và văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 4, 5, 6, 7, 8,9,10. Đây cũng là những vấn đề nổi bật trong sự quan tâm của toàn dân. Cụ thể là:

  • Các vấn đề về sửa đổi Hiến pháp năm 1992;
  • Quan điểm và đối sách của Đảng đối với vấn đề Biển Đông;
  • Vấn đề đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí;
  • Vấn đề thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng;
  • Việc tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và công tác dân vận trong tình hình mới;
  • Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về Phát triển Khoa học và Công nghệ và về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
  • Vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước theo Nghị quyết TƯ số 27 ngày 06/08/2008;
  • Các vấn đề nóng về kinh tế - xã hội: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; Tình hình nợ công quốc gia và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng;
  • Các vấn đề quốc tế và quan hệ Việt Nam với các nước: Nâng quan hệ Việt Nam với một số nước (đối tác chiến lược hay đối tác chiến lược toàn diện) như Liên bang Nga, Thái Lan, Singapore, Đan Mạch, Indonesia, Cộng hòa Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ v.v...

Đảng viên trong Chi bộ cơ quan Hội luôn hiểu biết sâu về các chính sách, chủ trương của Đảng trong định hướng và giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, kiên định và sẵn sàng trong bảo vệ chủ quyền đất nước và trong việc phát triển, mở rộng các quan hệ đối với các nước và các tổ chức Quốc tế.
Trong năm qua, tất cả các công văn, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng ủy Liên hiệp hội VN, của Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương và của cấp trên đều đã được thông báo, phổ biến đến tất cả đảng viên trong chi bộ những nội dung chính. Bao gồm:

  • Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 28/12/2012 của Bộ Chính trị về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;
  • Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 22/12/2012 của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
  • Hướng dẫn số 25-HD/ĐULHHVN ngày 12/03/2013 của Đảng ủy LHHVN về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013 (Chuyên đề về “Phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng vieenm nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”);
  • Hướng dẫn số 10-HD/BTGĐUK ngày 27/3/2013 của Ban Tuyên giáo Đảng ủy khối hướng dẫn tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948) và Đề cương tuển truyền kỷ niệm 65 năm Hồ Chủ tịch kêu gọi thi đua ái quốc;
  • Công văn số 138-CV/ĐULHHVN ngày 25/11/2013 về đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên và kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TW 4 (khóa XI). Thực hiện theo Hướng dẫn số 43-HD/BTCĐUK ngày 07/11/2011 của Ban Tổ chức ĐUK các cơ quan TW.
Các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương và của Đảng ủy Liên hiệp hội đều được chấp hành nghiêm túc. Chi bộ cơ quan Hội đã tham gia đầy đủ các hội nghị, hội thảo, các cuộc họp, nói chuyện, hội nghị tổng kết, sơ kết công tác đảng do Đảng ủy tổ chức

III. Những hạn chế, tồn tại
Trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội ĐLVN, Hội đã đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là công tác tư vấn phản biện và phổ biến kiến thức, tôn vinh tri thức. Tuy nhiên, hoạt động của Hội vẫn còn bộc lộ những hạn chế, tồn tại sau:
Một là, công tác củng cố và phát triển tổ chức Hội, công tác phát triển Hội viên mới, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố phía Nam chưa được thực hiện như mong muốn. Nguyên nhân chính là do Hội chưa tạo được môi trường thuận lợi, hấp dẫn để các Tổ chức, cá nhân từ các Địa phương tự nguyện tham gia những hoạt động của Hội; mặt khác các Hội thành viên của Hội còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc, thiếu cán bộ chuyên trách, có năng lực và kinh nghiệm.
Hai là, ban thường vụ Hội còn lúng túng trong chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động của Hội; thiếu tính gắn kết giữa Ban thừng vụ với từng Ủy viên Ban chấp hành TW Hội; chưa thể hiện được vai trò nòng cốt trong phát huy sức mạnh sáng tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ Hội viên cá nhân, Hội viên tập thể và Hội viên thành viên của Hội.
Ba là, Hội còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc, thiếu kimh phí để thiết lập riêng trang Website, một trong những phương tiện để  gắn kết giữa Ban thừng vụ với từng Ủy viên Ban chấp hành TW Hội.

(Nguồn tin: BTT-HĐL)

Tìm kiếm

Hỏi đáp

Hỏi: Hỏi đáp về SI sửa đổi
Đáp: Trình bày các vấn đề về SI sửa đổi dưới dạng các câu hỏi và trả lời  (Xem thêm)
Hỏi: Luật Đo lường đã quy định quản lý phương tiện đo ở nước ta như thế nào?
Đáp: Điều (Đ.) 16 Luật Đo lường (LĐL) quy định các loại phương tiện đo. Theo đó ta có phương tiện đo nhóm...  (Xem thêm)
Hỏi: Luật Đo lường đã quy định quản lý phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn ở nước ta như thế nào?
Đáp: Đ. 31 LĐL quy định phân hàng đóng gói sẵn thành hàng đóng gói sẵn nhóm 1, hàng đóng gói sẵn nhóm 2  (Xem thêm)

Liên kết website

Cổng thông tin điện tử Bộ KHCN & Môi trường
VUSTA
STAMEQ
VMI