Luật Đo lường đã quy định quản lý việc phê duyệt mẫu, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo ở nước ta như thế nào?

Cập nhật: 12/1/2016 | 11:15:50 AM  

Điều (Đ) 3 Luật Đo lường (LĐL) đã giải thích các khái niệm kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và khái niệm liên quan

I. Khái niệm kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo giải thích của Luật Đo lường

Điều (Đ) 3 Luật Đo lường (LĐL) đã giải thích các khái niệm kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và khái niệm liên quan như sau :

1. Kiểm định : là hoạt động đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.

2. Hiệu chuẩn : là hoạt động xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo.

3. Thử nghiệm : là việc xác định một hoặc một số đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Hai khái niệm có liên quan :

1. Yêu cầu kỹ thuật đo lường : là tập hợp các quy định về đặc tính kỹ thuật đo lường của chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo hoặc lượng của hàng đóng gói sẵn do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định : là tổ chức đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, được cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền xem xét, đưa vào danh sách để tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

II. Phê duyệt mẫu phương tiện đo

Theo quy định tại khoản 2 Đ.19 LĐL, phê duyệt mẫu là một biện pháp kiểm soát về đo lường áp dụng đối với phương tiện đo nhóm 2.

Phê duyệt mẫu phương tiện đo được quy định tại Đ.20 LĐL, theo đó :

        1. Phê duyệt mẫu phương tiện đo là việc do cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền thực hiện để đánh giá, xác nhận mẫu phương tiện đo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định.

2. Việc thử nghiệm mẫu phương tiện đo để phê duyệt phải được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm được chỉ định. Mẫu phương tiện đo có thể được miễn, giảm thử nghiệm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

III. Kiểm định phương tiện đo 

Đ.21 LĐL quy định về kiểm định phương tiện đo. Các quy định đó là :

1. Việc kiểm định phương tiện đo do tổ chức kiểm định thực hiện để đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo theo yêu cầu kỹ thuật đo lường.

2. Phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm định ban đầu trước khi đưa vào sử dụng, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng, kiểm định sau sửa chữa.

Một số phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm định định kỳ bằng hình thức kiểm định đối chứng. Việc kiểm định đối chứng được thực hiện bởi tổ chức kiểm định khác thuộc Danh mục tổ chức kiểm định được chỉ định.

3. Phương tiện đo nhóm 1 được kiểm định tự nguyện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan.

IV. Hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường

Đ.22 LĐL quy định về hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường. Các quy định đó là :

1. Việc hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường do tổ chức hiệu chuẩn thực hiện để xác định, thiết lập mối quan hệ giữa giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng cần đo.

2. Chuẩn công tác dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 phải được hiệu chuẩn bắt buộc.

3. Phương tiện đo nhóm 1 và các chuẩn chính, chuẩn công tác không dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 được hiệu chuẩn tự nguyện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

V. Thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường

Đ.23 LĐL quy định về thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Các quy định đó là :

1. Việc thử nghiệm do tổ chức thử nghiệm thực hiện để xác định một hoặc một số đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường.

2. Mẫu phương tiện đo nhóm 2 phải được thử nghiệm bắt buộc trước khi phê duyệt trừ trường hợp được miễn, giảm.

3. Chuẩn chính, chuẩn công tác và phương tiện đo nhóm 1 được thử nghiệm tự nguyện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

VI. Nguyên tắc hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm

LĐL đã có các quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.

1. Nguyên tắc hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm

Đ.24 LĐL quy định các nguyên tắc hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm. Các nguyên tắc đó là :

a) Độc lập, khách quan, chính xác; công khai, minh bạch về trình tự, thủ tục thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.

b) Tuân thủ trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã được công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền.

c) Tuân thủ quy định về bảo mật thông tin, số liệu, kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.

2. Điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm

Đ.25 LĐL quy định các điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm. Các điều kiện đó là :

a) Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải đáp ứng các điều kiện sau đây :

+ Có tư cách pháp nhân;

+ Có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu đối với lĩnh vực hoạt động;

+ Có đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu đối với lĩnh vực hoạt động;

+ Đáp ứng yêu cầu về tính độc lập, khách quan;

+ Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với lĩnh vực hoạt động;

+ Đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền.

b) Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bắt buộc phải đáp ứng điều kiện quy định nêu trên và phải được chỉ định.

3. Chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm

Đ.26 LĐL quy định về chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm. Các quy định đó là :

a) Chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được xác định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí thực tế hợp lý để hoàn thành công việc, phù hợp với nội dung, khối lượng, tính chất và thời hạn hoàn thành việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.

b) Chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được xác định trên cơ sở các chi phí cơ bản sau đây:

+ Chi phí vật tư;

+ Chi phí nhân công;

+ Chi phí khấu hao máy móc, thiết bị;

+ Chi phí vận chuyển.

c) Chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường phải được xây dựng, niêm yết công khai và theo quy định của pháp luật về giá.

(Nguồn tin: BBT Bản tin)

Tìm kiếm

Hỏi đáp

Hỏi: Hỏi đáp về SI sửa đổi
Đáp: Trình bày các vấn đề về SI sửa đổi dưới dạng các câu hỏi và trả lời  (Xem thêm)
Hỏi: Luật Đo lường đã quy định quản lý phương tiện đo ở nước ta như thế nào?
Đáp: Điều (Đ.) 16 Luật Đo lường (LĐL) quy định các loại phương tiện đo. Theo đó ta có phương tiện đo nhóm...  (Xem thêm)
Hỏi: Luật Đo lường đã quy định quản lý phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn ở nước ta như thế nào?
Đáp: Đ. 31 LĐL quy định phân hàng đóng gói sẵn thành hàng đóng gói sẵn nhóm 1, hàng đóng gói sẵn nhóm 2  (Xem thêm)

Liên kết website

Cổng thông tin điện tử Bộ KHCN & Môi trường
VUSTA
STAMEQ
VMI