Xây dựng hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam - Đào Thị Hồng, Viện Đo lường Việt Nam
Cập nhật: 24/12/2016 | 9:38:19 AM
Trình bày những nét cơ bản của quá trình xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam và những thành tựu trong giai đoạn 2014 - 2016.
XÂY DỰNG HỆ THỐNG
VĂN BẢN KỸ THUẬT ĐO LƯỜNG VIỆT NAM
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý nhà nước về đo lường là tiến hành thử nghiệm phê duyệt mẫu, kiểm định, hiệu chuẩn các chuẩn và phương tiện đo.
Để thực hiện công việc này, một phòng thí nghiệm được chỉ định cần phải có những điều kiện kỹ thuật, gồm:
- chuẩn đo lường;
- các trang thiết bị cần thiết để sử dụng cùng với chuẩn cũng như để đảm bảo các điều kiện cần thiết về môi trường trong quá trình thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn;
- các cán bộ có đủ trình độ và năng lực phù hợp với lĩnh vực thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn ...
và điều quan trọng hơn cả là phòng thí nghiệm phải thực hiện theo các phương pháp, trình tự và xử lý các kết quả đo theo đúng các quy định của văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường phê duyệt ban hành.
Bài viết này sẽ trình bày những nét cơ bản của quá trình xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam và kết quả biên soạn trong thời gian 3 năm vừa qua, từ năm 2014 đến năm 2016.
A. Những nét cơ bản của quá trình xây dựng văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam:
Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) là một hệ thống văn bản kỹ thuật như một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia tồn tại song song với Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), nhưng phạm vi nội dung trong lĩnh vực đo lường, bao gồm: các quy trình kiểm định, quy trình hiệu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật và quy trình thử nghiệm phương tiện đo.
Cơ sở để tiến hành biên soạn các ĐLVN hiện nay chủ yếu là các khuyến nghị (RD) của Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và các tải liệu kỹ thuật của một số tổ chức và Viện Đo lường quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới như: Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Viện Đo lường quốc gia Nhật Bản (NMIJ), Viện Đo lường quốc gia Australia (NMIA), Viện nghiên cứu Chuẩn và Khoa học Hàn Quốc (KRISS), Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST), kết hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Nhóm biên soạn ĐLVN là các chuyên gia, cán bộ đo lường có uy tín và đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp.
Các ĐLVN sau khi biên soạn sẽ được đưa ra thảo luận tại Ban kỹ thuật (TC), dưới sự chủ trì của trưởng ban cùng với các thành viên là những chuyên gia đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đo lường.
Các Ban kỹ thuật đo lường được thành lập tương ứng với các Ban Kỹ thuật của OIML, bao gồm 18 TC:
+ ĐLVN/TC1 |
Ban kỹ thuật Thuật ngữ |
+ ĐLVN/TC2 |
Ban kỹ thuật Đơn vị đo lường |
+ ĐLVN/TC3 |
Ban kỹ thuật Kiểm tra đo lường |
+ ĐLVN/TC4 |
Ban kỹ thuật Chuẩn đo lường và phương tiện kiểm định và hiệu chuẩn |
+ ĐLVN/TC5 |
Ban kỹ thuật Phương tiện đo điện tử |
+ ĐLVN/TC6 |
Ban kỹ thuật Sản phẩm bao gói |
+ ĐLVN/TC7 |
Ban kỹ thuật Phương tiện đo độ dài và các đại lượng liên quan |
+ ĐLVN/TC8 |
Ban kỹ thuật Đo các đại lượng chất lỏng |
+ ĐLVN/TC9 |
Ban kỹ thuật Phương tiện đo khối lượng và tỷ trọng |
+ ĐLVN/TC10 |
Ban kỹ thuật Phương tiện đo áp suất, lực và các đại lượng liên quan |
+ ĐLVN/TC11 |
Ban kỹ thuật Phương tiện đo nhiệt độ và các đại lượng liên quan |
+ ĐLVN/TC12 |
Ban kỹ thuật Phương tiện đo các đại lương điện |
+ ĐLVN/TC13 |
Ban kỹ thuật Phương tiện đo âm thanh và dao động |
+ ĐLVN/TC14 |
Ban kỹ thuật Phương tiện đo quang học |
+ ĐLVN/TC15 |
Ban kỹ thuật Phương tiện đo bức xạ ion hoá |
+ ĐLVN/TC16 |
Ban kỹ thuật Phương tiện đo ô nhiễm |
+ ĐLVN/TC17 |
Ban kỹ thuật Phương tiện đo hoá lý |
+ ĐLVN/TC18 |
Ban kỹ thuật Phương tiện đo y học |
Sau khi được thảo luận tại TC, các ĐLVN tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện qua một quy trình chặt chẽ, thống nhất: gửi lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, chuyên gia; thông qua tại hội nghị chuyên đề; thẩm định pháp chế, kỹ thuật trước khi trình ban hành.
B. Kết quả biên soạn trong thời gian 3 năm vừa qua, từ năm 2014 đến năm 2016:
Từ năm 1997, Trung tâm Đo lường (nay là Viện Đo lường Việt Nam) đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ giao cho chủ trì biên soạn hệ thống ĐLVN.
Trong thời gian qua, hệ thống văn bản kỹ thuật này đã góp phần đáng kể việc kiểm định, thử nghiệm phương tiện đo đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước theo quy định của Luật Đo lường.
Tính đến 2013, đã có trên 200 văn bản kỹ thuật đo lường được ban hành.
Năm 2014, có 34 ĐLVN các quy trình kiểm định, quy trình thử nghiệm, quy trình hiệu chuẩn bắt buộc đối với các phương tiện đo mới được bổ sung trong Thông tư 23/2013/TT-BKHCN, thuộc các lĩnh vực đo lường độ dài, khối lượng, dung tích - lưu lượng, áp suất, hóa lý - mẫu chuẩn, thời gian - tần số, quang đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành.
Năm 2015, Viện Đo lường Việt Nam được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng 43 ĐLVN là các quy trình hiệu chuẩn bắt buộc đối với chuẩn thuộc lĩnh vực đo lường độ dài, khối lượng, dung tích – lưu lượng, lực – độ cứng, áp suất, hóa lý – mẫu chuẩn, điện, điện từ trường, nhiệt, thời gian – tần số, quang. Từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2016, toàn bộ 43 quy trình hiệu chuẩn này đã được ban hành.
Năm 2016, theo chỉ đạo của Tổng cục TCĐLCL, Viện Đo lường Việt Nam thực hiện việc soát xét 21 ĐLVN về QTKĐ, QTTN và xây dựng thêm 04 quy trình kiểm định phương tiện đo mới thuộc lĩnh vực y tế và lĩnh vực đo lường điện. Các phương tiện đo này được sử dụng với mục đích đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thuộc đối tượng phương tiện đo nhóm 2.
Như vậy, trong 3 năm từ 2014 đến 2015, số lượng các văn bản kỹ thuật đo lường đã ban hành hoặc đã được thẩm định trình ban hành là 104 văn bản, bằng 1/2 số văn bản đã ban hành trong 16 năm từ 1997 đến 2013, và bằng 1/3 số văn bản được ban hành từ trước tới nay.
Các ĐLVN khi ban hành được công bố trên website của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, được các cơ quan quản lý nhà nước về đo lường, các bộ, ngành, cơ sở được chỉ định kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm được công nhận và các doanh nghiệp sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Chính vì vậy xây dựng hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam là một trong những biện pháp nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý của công tác quản lý nhà nước về đo lường. Ngoài việc được sử dụng rộng rãi, hệ thống văn bản này còn được đánh giá cao về tính thực tiễn trong áp dụng. Tuy nhiên, số lượng các ĐLVN hiện nay còn ít so với nhu cầu thực tế, và còn cần phải tăng cường hơn trong việc hoàn thiện chất lượng, góp phần vào mục tiêu của quản lý đo lường là làm cho các phép đo đạt được tính thống nhất và độ chính xác cần thiết trong toàn quốc.
(Nguồn tin: Đào Thị Hồng, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ - QLKH, Viện Đo lường Việt Nam)