Hội thảo “Tăng cường hoạt động Đo lường để phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia”

Cập nhật: 19/1/2024 | 8:55:18 PM  

Ngày 18/01, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp Hội Đo lường Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tăng cường hoạt động Đo lường để phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia” để kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam 2024

Hội thảo “Tăng cường hoạt động Đo lường để phát triển

Hạ tầng chất lượng quốc gia” 

 

Ngày 18/01, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp Hội Đo lường Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tăng cường hoạt động Đo lường để phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia”.

Tham dự Hội thảo có Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tổng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, bà Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam, ông Vũ Khánh Xuân – Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam, cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục, các Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, hội viên Hội ĐLVN, chuyên gia về đo lường.

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Quyền Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cho biết, theo thông lệ quốc tế, hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) là hệ thống cơ chế pháp lý và kỹ thuật để triển khai hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp và công nhận chất lượng ở từng quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong nước, đẩy mạnh sự thừa nhận của quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ toàn cầu.

NQI là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của một nền kinh tế. NQI được coi là điều kiện cần thiết để thị trường thương mại nội địa hoạt động hiệu quả, đồng thời là công cụ thúc đẩy và duy trì sự phát triển của các quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Để đo lường mức độ phát triển NQI của một quốc gia nói riêng hay so sánh mức độ phát triển NQI của các quốc gia trên thế giới nói chung, các chuyên gia sử dụng Chỉ số hạ tầng chất lượng toàn cầu (GQII). UNIDO đã nhận định Chỉ số hạ tầng chất lượng toàn cầu là chỉ số tổng hợp đo lường các khía cạnh khác nhau của các lĩnh vực: tiêu chuẩn hóa, đo lường, công nhận và chứng nhận sự phù hợp.

Kết quả công bố xếp hạng GQII 2020 dựa theo sự phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) của 184 nền kinh tế cho thấy Đức xếp vị trí thứ 1, Việt Nam 54, Philippines 50, Malaysia 40, Indonesia 29, Thái Lan 26. Việt Nam xếp thứ 54 (Tiêu chuẩn hóa 64, Đo lường 60, Công nhận 36).

Để đáp ứng yêu cầu về chỉ số xếp hạng thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của TTCP và tăng cường vai trò của đo lường, đẩy mạnh việc thực thi Đề án 996, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp Hội Đo lường Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề Tăng cường hoạt động Đo lường để phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia.

“Tôi hy vọng rằng, thông qua hội thảo này, từ góc độ khác nhau, các quý vị đại biểu, chuyên gia thuộc các ngành khoa học, kỹ thuật, chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ, thảo luận để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng trong phạm vi toàn thế giới”, Quyền Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.

Phiên thảo luận thứ nhất do ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường điều hành.

Tại hội thảo đã diễn ra hai phiên thảo luận, phiên thứ nhất với chủ đề: So sánh liên phòng về đo lường (SSLP); phiên thứ hai với chủ đề: Một số định hướng về hoạt động đo lường.

Tại phiên thảo luận thứ nhất do ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường điều hành, ông cho hay, ở cấp độ quốc tế, các quốc gia muốn tham gia các thỏa thuận lẫn nhau về đo lường bắt buộc phòng hiệu chuẩn phải tham gia các chương trình SSLP.

Cũng theo ông Giầu, Văn phòng cân đo quốc tế BIPM đã tổ chức nhiều chương trình SSLP đối với các lĩnh vực đo để thừa nhận khả năng đo, hiệu chuẩn (chúng ta hay gọi là CMCs). Chúng ta có thể tra cứu khả năng đo, hiệu chuẩn của một viện đo lường quốc gia trên trang web kcdb.bipm (được viết tắt của từ tiếng anh là cơ sở dữ liệu về so sánh chủ chốt key comparison database). Tổ chức Đo lường châu Á Thái Bình Dương APMP cũng thực hiện nhiều chương trình SSLP làm cơ sở để thừa nhận lẫn nhau về đo lường. Viện Đo lường Việt Nam cũng tham gia một số chương trình SSLP do APMP tổ chức (Khối lượng, dung tích, điện, áp suất, âm thanh-rung động, thời gian tần số).

Trong năm 2022, Tổng cục đã tổ chức chương trình so sánh liên phòng cho các lĩnh vực như điện, áp suất, dung tích. Các chương trình được bắt đầu từ tháng 4 năm 2022 cho đến cuối tháng 10 năm 2022.

Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Nam Thắng – Trưởng phòng Đo lường Áp suất, Viện Đo lường Việt Nam đã chia sẻ về quá trình thực hiện SSLP lĩnh vực áp suất đối với vai trò là pilot. Theo đó, vai trò pilot để thực hiện chương trình so sánh liên phòng thì cần rất nhiều thứ từ khâu lập kế hoạch, chuẩn bị mẫu đến khâu triển khai thực tế, tổng hợp báo cáo cuối cùng. 

Ông Hoàng Minh Quân – Trưởng phòng Quản lý Đo lường, Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Quốc phòng cũng chia sẻ về chương trình so sánh liên phòng lĩnh vực áp suất mà Trung tâm Đo lường Quân đội đã tham gia trong thời gian qua tại phiên thảo luận.

Phiên thảo luận thứ 2 do bà Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam điều hành.

Phiên thảo luận thứ 2 do bà Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam điều hành. Chia sẻ về sản xuất chất chuẩn, bà Hà cho hay, năm qua đã có rất nhiều nghiên cứu về sản xuất chất chuẩn, tuy nhiên chỉ sản xuất trong phòng thí nghiệm. Hiện nay, với kinh nghiệm tiến tới hệ thống sản xuất chất chuẩn theo Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 17043, quyết tâm đến năm 2024 sẽ được công nhận hệ thống sản xuất chất chuẩn. Bên cạnh đó, khởi động lại chương trình đầu tư chuẩn đo lường quốc gia.

 

Cũng tại phiên thảo luận, ông Trần Quý Giầu cho biết, đo lường pháp định thời gian qua đã thực hiện rất tốt, còn đối với đo lường ứng dụng mang tính chất tự nâng cao chế độ chính sách của doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa qua đã có 56 đơn vị bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch Đề án 996 và tích cực triển khai, trong đó, địa phương triển khai tốt nhất là Thái Nguyên.

(Nguồn tin: Ban BT)

Tìm kiếm

Hỏi đáp

Hỏi: Hỏi đáp về SI sửa đổi
Đáp: Trình bày các vấn đề về SI sửa đổi dưới dạng các câu hỏi và trả lời  (Xem thêm)
Hỏi: Luật Đo lường đã quy định quản lý phương tiện đo ở nước ta như thế nào?
Đáp: Điều (Đ.) 16 Luật Đo lường (LĐL) quy định các loại phương tiện đo. Theo đó ta có phương tiện đo nhóm...  (Xem thêm)
Hỏi: Luật Đo lường đã quy định quản lý phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn ở nước ta như thế nào?
Đáp: Đ. 31 LĐL quy định phân hàng đóng gói sẵn thành hàng đóng gói sẵn nhóm 1, hàng đóng gói sẵn nhóm 2  (Xem thêm)

Liên kết website

Cổng thông tin điện tử Bộ KHCN & Môi trường
VUSTA
STAMEQ
VMI